Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Chàng trai người Anh bán món ăn đường phố Việt giữa London

Chàng trai người Anh bán món ăn đường phố Việt giữa London

Chàng trai người Anh bán món ăn đường phố Việt giữa London Thích thú với những món ăn vỉa hè sau chuyến du lịch Việt Nam, chàng trai người Anh đã huy động hơn một triệu bảng để mở quán ăn mang tên "Hộp" ngay tại London.
  • Bài học khởi nghiệp của cô chủ hãng trà khổ qua / Chàng trai Việt tạo dựng thương hiệu bánh mì trên đất Mỹ

Tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, sau 6 năm làm việc tại một ngân hàng đầu tư ở London, cuối năm 2012, Paul Hopper (sinh năm 1984) quyết định nghỉ việc đi du lịch khám phá một số quốc gia khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một điểm đến trong chuyến hành trình của chàng trai miền Tây Bắc nước Anh.

Khi tới Việt Nam, có rất nhiều thứ anh "phải lòng". Sự gần gũi, thân thiện của người dân, các món ăn tươi, ngon, đầy hương vị. Đặc biệt là các quán vỉa hè tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP HCM... với bàn ghế nhựa đầy màu sắc, cách phục vụ đúng kiểu "món ăn nhanh" khiến anh thích thú.

paul.jpg

Paul Hopper trong chuyến trở lại Việt Nam hồi tháng 8/2014.

"Tôi rất ấn tượng với các quán cơm bình dân nơi đây. Phục vụ rất nhanh chóng và tiện lợi, phù hợp cho bữa ăn trưa của nhân viên văn phòng và người lao động. Lúc đó, tôi thoáng nghĩ tại sao không đem ý tưởng cơm bình dân đến London? Các món ăn nhanh nhưng vẫn tươi cho nhân viên văn phòng -những người có quá ít thời gian cho bữa ăn", anh kể lại.

Anh cho biết ngay từ khi có ý tưởng anh đã hình dung đến cách thức kinh doanh món ăn Việt. Tất cả sẽ được đựng trong những hộp đồ để khách hàng mua và đem về ăn tại bàn làm việc. Do vậy, tên quán "Hộp" được lựa chọn ngay cả khi mọi thứ vẫn chỉ trong suy nghĩ của Paul.

Sau khi về nước, Paul dành 18 tháng triển khai ý tưởng kinh doanh. Để có đủ thời gian trải nghiệm và tìm hiểu hương vị các món ăn vỉa hè Việt, anh đã rủ một số người bạn quay trở lại Việt Nam. Họ rong ruổi đến nhiều địa phương cả 3 miền Bắc, Trung và Nam tìm hiểu và có cảm nhận thực tế về hương vị các món ăn "Vietnamese street foods" mà ai cũng có thể thưởng thức tại các góc phố, vỉa hè.

Cũng như nhiều người khởi nghiệp, vấn đề vốn đầu tư được anh tính toán kỹ lưỡng. Mặt bằng, đầu tư nội thất, nhân sự... số tiền anh bỏ ra để mở quán lên đến 1 triệu bảng Anh. Paul cho biết, ngoài một phần nhỏ vốn tự có, số còn lại anh đã huy động từ nhiều cá nhân khác.

hopmon-JPG.jpg

Cuốn-một trong những món đắt khách nhất của quán Hộp.

Là người ngoại quốc, chưa có nhiều thời gian gắn bó với Việt Nam nên lựa chọn kinh doanh đồ ăn của một xứ sở xa xôi giữa trung tâm tài chính London không ít thử thách. Chưa kể đến Paul cũng không phải là một đầu bếp chuyên nghiệp, việc tìm kiếm các nguyên liệu cơ bản cho các món ăn Việt - vốn nhiều hương liệu và gia vị đặc trưng lại càng trở nên khó khăn.

Song, anh cho biết may mắn nhất khi triển khai kế hoạch kinh doanh là ngay tại London, có nhiều cơ sở cung cấp rau củ, thực phẩm tươi sống cho các món ăn châu Á. Nhờ đó, anh và các cộng sự không mất quá nhiều thời gian tìm kiếm nguyên liệu riêng của đồ ăn Việt Nam.

Từ những chuyến đi thực tế tại các thành phố của Việt Nam, anh nhận thấy người dân địa phương rất sáng tạo trong mỗi món ăn. Và anh cũng muốn "bắt chước" một cách linh hoạt trong việc nấu các món ăn Việt trên đất Anh. Ngoài việc nắm vững, tuân thủ các nguyên tắc của món ăn truyền thống Việt, Paul cũng kết hợp, sáng tạo với hương vị, nguyên liệu của ẩm thực Anh.

Anh dẫn chứng, với món cuốn - một trong những món đắt khách của quán, anh vẫn dựa trên nguyên tắc chung từ bản địa, song tại Hộp, anh có thể cung cấp tới 9 loại cuốn khác nhau. Ngoài những nguyên liệu truyền thống Việt như là tôm và thịt lợn, rau xà lách thì Paul và cộng sự sáng tạo thêm với các nguyên liệu của Anh.

Hiện, thực đơn quán gồm có: phở, cơm, bún, bánh mỳ, cà phê Việt, các món cuốn... tùy đặc trưng mỗi món mà ông chủ trẻ tuổi chuẩn bị hộp, túi, cốc, giấy bóng để đựng. Sau đó, tất cả được cho vào túi giấy có in hình ảnh sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam. Ngoài ra, anh cũng chế biến các loại nước chấm có vị khác nhau để cho khách hàng tự lựa chọn theo khẩu vị riêng.

Không chỉ tập trung vào hương vị món ăn, Paul dành nhiều tâm huyết để thiết kế nội thất, trang trí quán giúp thực khách cảm nhận được không khí của những quán ăn vỉa hè tại Việt Nam. Anh cho biết đã cố gắng làm sao để thực khách có được cảm giác sáng sủa, nhộn nhịp, vui vẻ và sống động như không khí của đường phố Việt Nam. Họ có thể cảm nhận được một thoáng Việt Nam ở ngay trong lòng London-một nơi cách xa hàng vạn dặm.

Do đó, những chiếc bàn, ghế nhựa được các quán cóc, quán vỉa hè ở Việt Nam, anh cũng sử dụng cho quán. Ngoài ra, Paul trưng bày rất nhiều hình ảnh mà anh đã chụp lại trên những nẻo đường Việt Nam đi qua.

Hộp nằm trong khu vực trung tâm London nơi tập trung chủ yếu các cao ốc. Do vậy, đối tượng khách hàng anh hướng đến là nhân viên văn phòng. Theo anh, họ cần thức ăn nhanh và ngon miệng cho bữa trưa. Do không có nhiều thời gian, nên hầu hết họ tới quán chọn đồ ăn và mang về bàn làm việc.

"Hộp là quán ăn Việt duy nhất ở London theo hình thức "grab and go" (mua và mang đi). Quy trình mua hàng chỉ mất vài phút", anh nói. Nhân viên quán cũng không phục vụ ăn uống tận bàn. Bởi như các quán cơm bình dân anh đã ăn tại Việt Nam khách hàng tới, tự chọn món, thanh toán tiền và tự tìm chỗ ngồi để ăn. Điều này vừa là sự khác biệt, song cũng rất phù hợp với đối tượng khách hàng mà quán hướng đến.

hopbao-JPG-2090-1438136274.jpg

Dù không phải phục vụ tận bàn ăn, nhưng quán của Paul vẫn có đến 15 nhân viên làm việc thường xuyên.

Paul cho biết khi ở Việt Nam, các món ăn được phục vụ rất nhanh. Và mọi người thường dùng phương cách ăn uống như vậy khi đang dở dang công việc hay cần nhanh chóng, tiện lợi. Chính vì thế, khi mở Hộp anh  muốn nhấn mạnh yếu tố tốc độ và xem đây là một nguyên tắc quan trọng nhất của quán.

Sau gần 2 tháng khai trương, đến nay, Hộp đã có thể phục vụ khoảng 40 món ăn Việt với giá trung bình 6,25 bảng Anh. Paul cho biết khách đến khá đông, trung bình mỗi ngày có khoảng 650 khách đến "mua và mang đi" cho doanh thu trên dưới 4.000 bảng Anh.

Với mong muốn mang hương vị món ăn bình dân tươi ngon của Việt Nam tới nhiều hơn thực khách ở Anh. Paul tính toán như vậy cần mở thêm 30-40 quán "Vietnamese street foods" tại London. Và kế tiếp sẽ phát triển thành hệ thống trên khắp nước Anh.

"Điều tôi mong muốn nhất là được chia sẻ với nhiều người tại Anh về những trải nghiệm ẩm thực thú vị mà tôi có được khi thưởng thức các món ăn vỉa hè Việt Nam", Paul nói.

Linh Lan

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét