Hoạ sĩ thiết kế gây dựng doanh nghiệp thực phẩm quy mô hàng chục tỷ đồng
- Tôi lại khởi nghiệp ở tuổi 50 / Doanh thu vài trăm triệu từ số vốn 6 triệu đồng
Tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật nhưng Trần Văn Tuyển, sinh năm 1979, quê ở Thanh Hóa, lại đam mê kinh doanh nên ngay sau khi làm nhân viên cho một công ty chuyên về thiết kế được 2 năm, anh quyết định ra làm riêng. Công việc thường xuyên là thiết kế album cho ca sĩ và mẫu mã bao bì cho các doanh nghiệp.
Trong một lần tiếp xúc với một cơ sở kinh doanh bánh pía ở Tây Ninh, cảm nhận được sự chân thành từ khách hàng, đồng thời thấy được cơ hội kinh doanh từ sản phẩm này nên ngoài việc thiết kế bao bì sản phẩm anh Tuyển quyết định đặt quan hệ làm đối tác. Cũng chính từ lời mời này anh chính thức "bén duyên" với kinh doanh thực phẩm.
Vừa là họa sỹ thiết kế, anh Tuyển vừa bôn ba khắp thị trường để quảng bá sản phẩm đồ ăn và thức uống của mình. |
"Tôi được giao trách nhiệm là trưởng đại diện tại TP HCM, phụ trách marketing và bán hàng. Ban đầu vô cùng chật vật vì sản phẩm bị cạnh tranh mạnh mẽ với bánh pía Sóc Trăng nên khách hàng rất ít để ý tới. Càng thế tôi càng phải nỗ lực khi bỏ công ra một năm tự đi đến tận nhà, tận các hệ thống cửa hàng truyền thống để tiếp thị sản phẩm, mời người dân ăn thử", anh Tuyển nói.
Không những vậy, anh Tuyển còn bỏ công đi Sóc Trăng để tìm hiểu về nguyên liệu, quy trình làm bánh nơi đây. Đồng thời, tìm kiếm những khuyết điểm mà cơ sở bên anh gặp phải để khắc phục. Nhận thấy công nghệ cũ kỹ lạc hậu, công suất kém nên anh đã tìm hiểu công nghệ nước ngoài và đến 2009, cơ sở bánh pía của anh chi 2 tỷ đồng để sắm máy móc công nghệ.
"Cứ ngỡ mua máy móc tốt về là vận hành êm đẹp nhưng phải mất nửa năm mọi quy trình mới thông suốt. Khi sản phẩm tạo ra hoàn hảo nhưng để thị trường chấp nhận lại mất một quá trình dài cho quảng bá, từ chiết khấu tới cho khách hàng thưởng thức miễn phí", anh Tuyển chia sẻ.
Sau khi được thị trường chấp nhận, anh tiếp tục lên kế hoạch tấn công vào siêu thị. Phải mất 3 năm theo đuổi và chứng minh về chất lượng sản phẩm của bên anh mới được các hệ thống siêu thị đón nhận. Nhờ kiên trì và nỗ lực, tới nay, sản phẩm bánh pía Phúc An đã được vào hầu hết các hệ thống siêu thị ở Việt Nam. Ngoài ra còn xuất đi thị trường nước ngoài 20 tấn một tháng. Giờ đây, doanh nghiệp của anh không chỉ sản xuất bánh pía mà còn khá nhiều sản phẩm khác như bánh trung thu, bánh mì… Mỗi năm, doanh thu đạt 50 tỷ đồng.
Không dừng lại ở việc làm bánh, anh Tuyển còn đam mê cà phê. Khi trào lưu cà phê rang say, cà phê mang đi phát triển, ý tưởng cho ra một sản phẩm cà phê sạch phục vụ thị trường càng thôi thúc anh. Dẫu vậy, là một người cẩn thận, anh luôn nghiên cứu trước nhu cầu thị trường, tìm nhân sự, chuyên gia giỏi về cà phê để làm cộng sự với mình. Doanh nhân này còn tiếp cận thị trường nước ngoài để tìm ra ý tưởng mới cho sản phẩm và chọn cho mình một ngách đi riêng.
"Đến năm 2013, tôi tốn khá nhiều thời gian cho tìm hiểu thị trường, tham gia vào các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, nhờ vậy mà tôi được một người bạn giới thiệu cho công nghệ làm cà phê sấy lạnh. Khi tìm hiểu tại Việt Nam thì chưa hề thấy có sản phẩm này nên dù phải bỏ ra số tiền lớn tôi vẫn thử sức", anh Tuyển bộc bạch.
Để có công nghệ chế biến cà phê sấy lạnh, anh Tuyển chi ra 8 tỷ đồng để đầu tư hệ thống công nghệ nhập ở Đức. Bởi theo anh, chỉ cho ra sản phẩm khác biệt thì mới có thể cạnh tranh được thị trường. Mặt khác, anh muốn cho người dùng Việt Nam tận hưởng những tinh túy nhất của hạt cà phê thay vì sử dụng những sản phẩm pha trộn, nhiễm hóa chất.
Về sự khác biệt của cà phê sấy lạnh, anh Tuyển cho biết, đây là phương pháp tiên tiến, giữ lại những toàn bộ chỉ tiêu cao nhất về chất lượng và phẩm chất của các yếu tố về hương và vị tự nhiên, màu sắc của cà phê hòa tan. Sản phẩm được rang thơm ngon rồi đưa vào dây chyền chế biến xay thành bột mịn, sau đó, chuyển thể thành phần dung dịch cà phê, rồi được trích ly, chiết xuất bằng công nghệ hiện đại. Tiếp theo, dung dịch cà phê sẽ trải qua quá trình cô đặc thành khối cà phê nhỏ và được đông lạnh ở nhiệt độ rất thấp, lúc này tinh thể cà phê sẽ kết thành những khối lớn. Các khối cà phê đã được sấy lạnh sẽ cho qua máy nghiền nhỏ để có hình dạng của những hạt cốm bằng một hệ thống máy móc để đảm bảo sự đồng đều về kích thước của các hạt cà phê cốm, mang đến cho người dùng sản phẩm cà phê cốm có chất lượng tốt nhất.
Với sản phẩm này cà phê sẽ cho ra màu sắc thật vốn dĩ của nó. Ngoài ra, chúng còn tốt cho sức khỏe, hỗ trợ lưu thông máu…
"Hiện sản phẩm cà phê sấy lạnh G20 của anh đã có mặt ở 3 hệ thống siêu thị Việt Nam. Tôi cũng đã mang sản phẩm chào hàng khách Nga và Hàn Quốc với giá 12 USD một kg. Phía Hàn Quốc đang có rất nhiều thương thảo thiện chí, mục tiêu sang thị trường này sẽ sớm đạt được kết quả tốt", anh Tuyển chia sẻ.
Riêng về thị trường Đức, anh cho hay, đây là một trong những quốc gia khó tính nên để vào được sản phẩm phải đạt chứng nhận hữu cơ. Do vậy, thời gian tới, công ty sẽ mua một trang trại cà phê riêng và chăm sóc cải tạo theo tiêu chuẩn hữu cơ từ đó sẽ có nguồn nguyên liệu phù hợp phục vụ cho thị trường Đức.
Ngoài các thị trường trên, theo anh Tuyển, hiện nay anh còn kết hợp với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp thị sản phẩm vào các hội nghị. Nơi mà cơ hội chào bán cà phê khá hấp dẫn, thậm chí anh có thể tìm được đơn vị nhập khẩu lớn. Chẳng hạn như, tại VCCI, sản phẩm của anh được trưng bày tại các phòng tham tán thương mại để khi đối tác nước ngoài có nhu cầu họ có thể biết đến sản phẩm của anh dễ dàng hơn... Hay tại các hội nghị của các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại...
"Tới nay, mặc dù vẫn chưa lấy lại được vốn nhưng tôi tin khi thị trường xuất khẩu đón nhận nhiệt tình thì chỉ vài ba tháng cho đến gần năm việc hòa vốn cũng không hề khó", anh Tuyển tâm sự.
Hồng Châu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét