Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Anh nông dân Việt Nam cải tiến máy gặt Nhật

Anh nông dân Việt Nam cải tiến máy gặt Nhật

Anh nông dân Việt Nam cải tiến máy gặt Nhật Sau nhiều năm mày mò, sáng tạo, công trình "Máy gặt lúa FUTU cải tiến" của anh Nguyễn Kim Chính, thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn (Phù Cát, Bình Định) đã đoạt giải "Nhà nông sáng tạo" năm 2005.
d

Ngay sau khi đoạt giải, anh liên tục nhận được những lời đề nghị hợp tác để sản xuất hàng loạt máy này. Một doanh nghiệp ở Khánh Hoà chính thức đặt vấn đề lập dự án hợp tác sản xuất với số lượng hàng nghìn cái. Họ cho anh được quyền chọn vị trí đặt nhà máy, phương thức hợp tác sản xuất... Thậm chí có doanh nghiệp ở Campuchia còn đề nghị anh cung cấp máy với số lượng không hạn chế. Anh Chính cho hay từ năm 1998 tới nay, anh mới chỉ cải tiến được hơn 30 máy gặt. Hiện anh đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn dự án. "Đổ bao công sức, mồ hôi tôi mới cho ra lò được cái máy như ý muốn. Đây là cơ hội để tôi tiếp tục nghiên cứu khám phá những công trình mới" - anh tâm sự.

Năm 1998, anh Chính bắt tay cải tạo chiếc máy gặt lúa rải hàng của hãng FUTU (Nhật Bản). Anh giải thích: "Nhà tôi đông anh em nên được chia nhiều ruộng. Năm nào lúa chín rộ lại gặp trời mưa thì đúng là... đại hạn. Lúa nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Xót ruột lắm nhưng đành chịu mất trắng". Để giảm bớt sức ép công việc cho cha mẹ, vợ con, Nguyễn Kim Chính góp nhặt từng đồng bạc lẻ từ nghề sửa xe đạp để mua lại chiếc máy gặt lúa rải hàng của người bạn cũ. Chiếc máy này được nhập nguyên chiếc từ Nhật Bản về với giá gần 15 triệu đồng.

Anh tâm sự: "Sau khi vận hành một thời gian, tôi nhận ra chiếc máy này không phù hợp với đồng đất ở quê tôi. Nhưng đã trót bỏ ra cả đống tiền để mua nó, chẳng lẽ lại đắp chiếu bỏ đấy".

Theo lời anh Chính, máy FUTU chỉ vận hành được ở những chân ruộng ít nước và vào ban ngày nắng ráo. Những ruộng bị mưa uớt, lúa đổ ngã, máy trở nên... bất lực. Máy cũng không thể hoạt động vào ban đêm vì không có đèn, không có chỗ ngồi cho người điều khiển... Và nhược điểm lớn nhất là khi cắt lúa thường bị kẹt trong máy, tạo vật cản ở phía trước, ảnh hưởng đến năng suất công việc và tốn thêm nhân công lao động.

Ngoài ra, do không có bộ phận chắn bùn, lại di chuyển bằng bánh lồng sắt nên khi đi qua sông suối, bùn đất dính bết vào máy, hơi nóng toả ra làm giảm tuổi thọ của máy và sức khoẻ của người vận hành.

"Tiếc tiền mua máy, tôi đặt ra quyết tâm phải cải tạo lại các bộ phận để máy có thể hoạt động 24/24 giờ. Bất cứ địa hình nào ruộng lún, ruộng lầy, trời mưa, lúa nghiêng, lúa đổ... máy đều gặt được và phải thuận tiện khi di chuyển".

Mất gần tám năm mày mò, nghiên cứu, Nguyễn Kim Chính cũng cải tạo được cái máy như ý muốn. Anh cho biết: "Chỉ còn khung và sườn máy của hãng FUTU, các bộ phận còn lại, tôi đều cải tiến theo ý mình".

Bộ phận đầu tiên anh cải tạo là hệ thống rút nhau và dựng lúa. Anh lắp thêm các bánh nhông và sợi xích rút nhau lúa vào phía dưới các mũi cắt. Có được hệ thống này, máy có thể hoạt động 24/24 giờ. Tuy nhiên, ở những chân ruộng ướt, máy vẫn chưa cắt được. Mãi đến năm 2003, anh gắn thêm một tay gạt chen giữa các mắt xích. Cứ ba mắt lại gắn một tay bằng thép hình lá ớt. Nhờ hệ thống này, cây lúa và nhau lúa được gom đưa hẳn ra ngoài, khắc phục được tình trạng kẹt dính, đặc biệt ở những chân ướt, ruộng đổ ngã.

Bộ phận thứ hai anh quyết tâm cải tiến là lưỡi cắt. Anh nghĩ ra cách đặt lưỡi cắt nằm phía trên thay cho kiểu cắt dưới của máy cũ để hạn chế nghẽn bùn đất chống mòn. Hoàn chỉnh bộ phận này cũng là lúc anh phát hiện ra phương pháp cải tiến bộ phận bánh lỏng. Anh cho biết: "Bánh lồng của máy cải tiến không còn dấu tích của bánh lỏng FUTU nguyên bản. Bánh lồng mới có gắn thêm bộ lốp xe môtô để có thể chạy nhanh trên chân ruộng khô và dễ dàng khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Mâm bánh làm bằng thép liền mạch có gắn tám hình khối tam giác lõm ra mặt ngoài để chống ruộng lún, ruộng lầy và chống dính".

Ngoài ba bộ phận quan trọng nhất đã cải tiến, anh còn lắp thêm hệ thống yên ngồi, bánh môtô phía sau máy theo kiểu gấp xếp, thuận tiện cho người điều khiển. Hệ thống phát điện và đèn chiếu sáng, hệ thống truyền động, vị trí lắp đặt động cơ chính... cũng được anh điều chỉnh lại.

Anh cho biết: "Hơn sáu năm vừa nghiên cứu, vừa ứng dụng, tôi cải tiến được 30 máy. Mỗi chiếc giá 18,5 triệu đồng, cao hơn các loại máy hiện nay gần 4 triệu đồng/máy. Tuy nhiên hiệu suất làm việc của máy cải tiến hơn hẳn các loại máy khác". Cụ thể cùng tiêu hao nhiên liệu như nhau nhưng máy chưa cải tiến mỗi giờ chỉ cắt được bốn sào lúa và cần hai người vận hành, trong khi máy đã cải tiến mỗi giờ cắt được hơn sáu sào và chỉ cần một người điều khiển.

Ông Hà Phúc Mạch - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: "Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều nông dân sử dụng máy gặt lúa cải tiến của anh Chính. Tất cả họ đều có chung nhận xét: Hiện nay chưa có máy gặt nào, thậm chí cả máy nhập ngoại 'qua mặt' máy gặt anh Chính cải tiến. Với những ưu điểm của nó, chúng tôi đã quyết định trao giải thưởng 'Nhà nông sáng tạo' cho công trình này".

(Theo Nông thôn ngày nay)

Ý kiến của bạn

 

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét