Lắng nghe tiếng lòng cùng 'Mùa về trên ngói'
Đâu cứ phải trời cao, biển rộng mới làm tâm hồn ta rung động. Có những lúc, trái tim ta thổn thức, não nề trước những điều rất giản đơn mà dịu ngọt như gió nhẹ lướt qua vạt cỏ non mềm.
- Nguyễn Huyền viết tản văn cho thời thanh xuân / 'Hạnh phúc là thứ dễ lây lan' - tản văn của niềm tin yêu
Sách Mùa về trên ngói gồm 47 tản văn, đó là 47 cung bậc cảm xúc trong trẻo, tha thiết mà Hồ Minh Thông muốn gửi đến độc giả. Đó không phải là cảm hứng khi tác giả đứng trước mênh mông trời bể hay lặng mình trước vẻ nguy nga hùng vĩ của non cao rừng thẳm. Bằng tâm hồn nhạy cảm, Hồ Minh Thông đã có những rung cảm tinh tế về những điều nhỏ nhoi, vụn vặt trong cuộc sống mà ta đôi khi quên lãng giữa dòng đời tấp nập, xô bồ.
Tập tản văn Mùa về trên ngói của Hồ Minh Thông. |
Đó là dáng mẹ hao gầy đợi ta trước cổng mỗi chiều đi làm về. Một chiều như thế, ta chợt thấy vết chân chim giăng đầy khóe mắt mẹ. Lòng đau thắt khi nghĩ đến một ngày chỉ còn cánh cổng im lìm đón ta mỗi chiều chập choạng. Để ta khát khao lưu giữ cái bóng dáng hao gầy ấy mãi mãi. "Đến một phút giây nào đó, sẽ là bóng dáng những dáng những người thân yêu của tôi, tiếng ríu ran trẻ thơ hòa cùng tiếng cười rộn rã cất cánh... Nhưng tôi vẫn mãi mãi khát khao giữ lại bóng hình một người đàn bà dịu hiền đứng nép mình sau khung cửa bình yên xanh mướt tháng ngày, xanh mướt hồn tôi. Một mai dáng hình ấy sẽ hòa vào năm tháng, hiện hữu mãi trong không gian bé nhỏ của tôi một cánh cổng lặng muôn kiếp" (trích Bóng ai bên cửa).
Thiên nhiên, bốn mùa được Hồ Minh Thông cảm nhận một cách thật nhẹ nhàng, dung dị qua... mái ngói. Qua những viên ngói già nua cũ kỹ cô có thể cảm nhận thấy nàng xuân điệu đàng lả lơi. Nhìn thấy nắng vàng như mật sóng sánh, tràn trề rót xuống từng viên ngói cũ rồi khẽ tỏa ra khắp không gian. Có cả cái hanh hao se sắt của heo may mùa thu vội đến khi những bông cúc vàng vừa nở trong vườn. Và lặng nghe tiếng gió thổi hun hút của những đêm đông lạnh. Bốn mùa của Hồ Minh Thông thật bình yên mà thi vị khi được cảm nhận qua những hàng ngói cũ càng rêu phong.
Đọc Mùa về trên ngói ta còn được sống lại những ký ức tuổi thơ ngọt ngào của một thời còn khốn khó. Đó là câu chuyện về cô bé trót yêu vị ngọt của những chiếc kẹo bột. Cô nhóc làm đủ mọi cách mà một đứa trẻ có thể để thỏa mãn niềm say mê ấy. Cô chạy sang nhà hàng xóm chơi lúc mẻ kẹo sắp ra lò, để được ăn thích thú những mẩu kẹo bé tí còn sót lại. Kỷ niệm ấm lòng đêm Trung thu khi được rước đèn kéo quân khắp phố phường cùng người bạn thuở ấu thơ...
Trong những trang sách ấy ăm ắp kỷ niệm mà nhiều khi chỉ nhớ lại lòng ta chợt thấy thương vô cùng. Đó là những ký ức về người chị tảo tần trong Chị tôi. Để phụ giúp mẹ kiếm thêm mấy đồng cho chi tiêu bớt eo hẹp, chị đã phải dẹp niềm vui đơn sơ được dạo phố xá, mua những món đồ xinh xinh cùng chúng bạn. Trong "Những buổi chiều không hình dạng" là hình ảnh đàn con thơ ngước đôi mắt tròn nhìn bóng chiều chạng vạng buông xuống đợi mẹ về.
Xa thời ấu thơ tươi đẹp, mỗi lúc nhớ lại lòng ta chợt bâng khuâng. Khi trưởng thành rồi, những phút giây nói cười dường như ngắn lại mà nỗi cô đơn cứ ngày một đong đầy. Ta chợt nhận ra để rũ bỏ sự cô độc, chỉ có cách duy nhất là mở rộng lòng mình. Bởi sự cô độc xuất phát từ chính trái tim yêu thương mãnh liệt. "Rồi đến một ngày khi tôi mê đắm ngắm nhìn nụ cười trẻ thơ, ánh mắt trong veo lấp lánh, bàn tay ấm áp bình yên của người bạn đời, tôi bỗng thấy niềm cô độc kia tựa như con thuyền lơ đãng buông lơi mái chèo cô độc giữa dòng sông..." (trích Cội nguồn cuả sự cô độc).
Không cầu kỳ, triết luận; không bóng bẩy, trau chuốt, Mùa về trên ngói của Hồ Minh Thông thật giản dị mà tinh tế. Có những điều nhỏ bé ánh mắt chúng ta chỉ lướt qua mà cứ thế vô tình bước tiếp. Nhưng tác giả thì khác. Ánh mắt của cô đã kịp dừng lại nhìn ngắm và trái tim đa cảm ấy đã kịp ghi lại những rung động đầy suy tư mà vô cùng tinh tế. Nhà văn Nguyễn Ngọc Phú nhận xét: "Và trên hết trong tác phẩm này, đó chính là nguồn cảm xúc mãnh liệt trong nhiều góc nhìn về cuộc sống cuả một tâm hồn đẹp, thánh thiện tươi trẻ và tình yêu mãnh liệt cho cuộc đời, cho con người".
Quỳnh Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét