Lao động ở doanh nghiệp bị đập phá vẫn được nhận lương
Lao động ở doanh nghiệp bị đập phá vẫn được nhận lương
Khoản tiền hỗ trợ do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. - Lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp bị đập phá
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương bổ sung hướng dẫn việc hỗ trợ người lao động phải ngừng việc tại các doanh nghiệp bị đập phá tại một số khu công nghiệp hồi giữa tháng 5. Theo đó, những lao động phải ngừng việc từ ngày 12/5 sẽ được hỗ trợ cho đến khi doanh nghiệp hoạt động trở lại (trước ngày 1/7).
Tiền hỗ trợ do doanh nghiệp và người lao động (hoặc đại diện người lao động) thỏa thuận tương ứng với thời gian ngừng việc nhưng không thấp hơn mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
![]() |
Người lao động vẫn được nhận lương trong thời gian ngừng việc. Ảnh: Nguyệt Triều
|
Hiện nay, lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã... áp dụng theo 4 mức. Trong đó, vùng một là 2,7 triệu đồng một tháng, vùng 2 là 2,4 triệu đồng. Các vùng 3 và 4 lần lượt là 2,1 và 1,9 triệu đồng.
Về phía doanh nghiệp, văn bản chỉ đạo sẽ không phải trả phần lãi suất do trả chậm tiền lương tháng 4 và những ngày đã làm việc trong tháng 5 của người lao động. Khoản tiền lương ngừng việc trả cho người lao động được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong sự cố đáng tiếc hồi tháng 5 vừa qua tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, có hàng trăm doanh nghiệp bị ảnh hưởng do những kẻ quá khích, kích động phá hoại. Hàng chục nghìn công nhân lao động mất việc do doanh nghiệp bị đốt cháy, đập phá. Riêng tại Bình Dương, ước tính có khoảng 60.000 lao động chịu ảnh hưởng do các doanh nghiệp chưa thể hoạt động trở lại ngay. Trong số này, có khoảng 40.000 người đủ điều kiện xem xét hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, 20.000 lao động được xem xét lãnh nhận BHXH một lần.
Tại cuộc họp gần đây với đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết nếu đến tháng 7, các đơn vị vẫn chưa thể đi vào hoạt động (tức chưa có nguồn thu để trả lương) thì sẽ được giải quyết từ hai nguồn. Nguồn thứ nhất là từ quỹ bảo hiểm và quỹ phúc lợi doanh nghiệp để bù đắp. Nguồn thứ hai là UBND các tỉnh, thành phố sẽ ứng trước ngân sách để cho doanh nghiệp vay và có tiền trả cho người lao động. Đến khi nào doanh nghiệp hoạt động trở lại và có nguồn thu thì UBND các tỉnh sẽ làm việc và thu lại khoản tiền trên.
Ngọc Tuyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét