Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Ông Đinh La Thăng: 'Không phải vướng mắc gì của doanh nghiệp cũng trình lên Thủ tướng'

Ông Đinh La Thăng: 'Không phải vướng mắc gì của doanh nghiệp cũng trình lên Thủ tướng'

Ông Đinh La Thăng: 'Không phải vướng mắc gì của doanh nghiệp cũng trình lên Thủ tướng'
Sau khi biết Cục Thuế TP HCM đang trình Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng xem xét về thuế suất ưu đãi của doanh nghiệp FDI, Bí thư Thăng cho rằng, việc nào trong thẩm quyền sở, ngành thì cần giải quyết nhanh, không nên cái gì cũng "đẩy lên" Thủ tướng.
  • Ông Đinh La Thăng: 'Doanh nhân phải nói thẳng, không sợ trù dập'

Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và các nhà đầu tư nước ngoài năm 2016 với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới" diễn ra sáng 16/3, hàng loạt vướng mắc đã được các doanh nghiệp nước ngoài - FDI - phản ánh với Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ - Amcham - cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trong Hiệp hội đang có những vướng mắc mong sớm được giải quyết. Trước hết là vấn đề ưu đãi thuế. Ông lấy ví dụ, trước đó Cục Đầu tư đã cấp phép đầu tư với chính sách thuế ưu đãi cho một doanh nghiệp của Hiệp hội, nhưng Cục Thuế TP HCM cho rằng giấy ưu đãi của Cục Đầu tư không có giá trị và phải đóng thuế cho trường hợp này.
"Hiện tại chúng tôi có khoảng 10 trường hợp như vậy nên rất mong TP HCM có những hành động thích hợp để Cục Thuế ngừng thu thuế bán thiết bị điện công nghiệp với những trường hợp này", ông nói.
ong-dinh-la-thang-khong-phai-vuong-mac-gi-cua-doanh-nghiep-cung-trinh-len-thu-tuong
Bí thư Đinh La Thăng và Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trong buổi họp sáng nay. Ảnh: LC.
Bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế giải thích, đây là trường hợp một doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM mở nhà máy ở Cần Thơ. Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp Cần Thơ có cấp chứng nhận đầu tư và ưu đãi thuế. Nhưng do có nhiều vướng mắc trong cách xử lý nên Cục Thuế phải làm văn bản báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư để trình Thủ tướng xem xét.
Bí thư Đinh La Thăng tỏ ra không hài lòng. Ông cho rằng, khi ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp thì họ mới làm, nhưng giờ lại áp dụng tính thuế là không hợp lý. Theo ông Thăng, Cục Thuế TP HCM phải làm việc lại với các cơ quan Cần Thơ để giải quyết nhanh cho doanh nghiệp chứ không thể để doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi sự bất cập trong cách điều hành của các cơ quan quản lý. "Những vấn đề gì trong tầm kiểm soát của Bộ ngành thì nên giải quyết ngay, không thể nào cái gì cũng đẩy lên Thủ tướng", Bí thư bày tỏ.
Ông Đinh La Thăng: 'Vấn đề gì trong tầm kiểm soát thì Bộ ngành giải quyết ngay'
Ngoài ra, các vướng mắc liên quan đến khâu kiểm tra, kiểm soát của hải quan, quy định về việc không cho nhập hàng hoá đã qua sử dụng 10 năm... cũng được nhiều doanh nghiệp FDI đề cập. Đại diện Amcham cho rằng, Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định không được nhập máy móc cũ trên 10 năm tuổi vào Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông, có những máy móc thiết bị sản xuất và chất bán dẫn ôtô có thể sử dụng được 20 năm và nhiều hơn nữa. Nhưng việc dịch chuyển các loại máy móc thiết bị điện công nghiệp này từ Trung Quốc về Việt Nam đang gặp khó khăn. Hơn nữa, Thông tư cũng vi phạm các hàng rào kỹ thuật của WTO bằng việc đưa ra quy định tùy ý. Do vậy, ông kiến nghị lãnh đạo TP HCM cần có cách tháo gỡ.
Còn đại diện khu công nghiệp, khu chế xuất thì phàn nàn, việc nhập khẩu thép hiện nay vẫn qua quá nhiều thủ tục nhiêu khê, như phải có giấy kiểm định, xin quota rồi thậm chí phải cắt thép để kiểm định… rất bất tiện cho doanh nghiệp.  TP HCM đang thực hiện uỷ quyền một cửa tại cửa khẩu nhưng hiện vẫn còn rất chồng chéo. Vị này cũng kiến nghị Thành phố tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên cở sở sự liêm chính tại các cơ quan nhà nước cũng như ngay trong các doanh nghiệp.
Liên quan đến bất cập của thủ tục hải quan, Cục phó Cục Hải quan TP HCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho rằng, cơ quan này chỉ được phân công làm thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, còn các chính sách thì do các Bộ ngành khác ban hành nên đôi khi không thể tự giải quyết hết các bất cập của doanh nghiệp.
ong-dinh-la-thang-khong-phai-vuong-mac-gi-cua-doanh-nghiep-cung-trinh-len-thu-tuong-1
Đại diện doanh nghiệp nước ngoài đã có những trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Thành phố. Ảnh: LC
Chứng kiến vị lãnh đạo Hải quan chưa đi thẳng vào vấn đề trọng tâm mà doanh nghiệp phản ánh, Bí thư Thăng ngắt lời, đề nghị làm rõ: Thủ tục là một cửa nhưng lại có quá nhiều cửa phụ thì giải quyết thế nào? Và thực tế là có mấy cửa? Đồng thời, ông Thăng nhắc lại việc mà doanh nghiệp phản ánh trong buổi họp trước là thay vì áp máy kiểm tra thép ngay tại chỗ thì lại bắt doanh nghiệp đưa tới trung tâm khác kiểm tra giờ. Ông hỏi việc này đã được giải quyết thế nào rồi?
Vị đại diện Hải quan cho biết sẽ xem xét triển khai và báo cáo lại về việc áp máy kiểm tra tại chỗ. Trước sự trả lời lấp lửng của Cục phó Hải quan, Bí thư Thăng chấn chỉnh: "Những việc bé như đầu ngón tay thế này thì một lãnh đạo Cục lẽ ra phải có giải pháp xử lý ngay và công bố công khai minh bạch cho doanh nghiệp biết chứ không nên nước đôi", đồng thời đề nghị ngành hải quan sau một tuần có báo cáo kết quả chính thức.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, chủ đề "Lắng nghe và đổi mới" ở đây là lắng nghe các doanh nghiệp để có những chính sách đổi mới cho thuận tiện hơn. Ông còn muốn có sự đổi mới về cách trả lời của các ban ngành, chứ không chung chung như tại buổi làm việc này. Ông cũng yêu cầu, các ngành khi nghe các vướng mắc, nếu việc nào giải quyết được thì cần triển khai ngay, việc gì phải chờ vào các bộ ngành khác thì mới để lại sau.
Ông Phong cho biết, lãnh đạo đặt mục tiêu xây dựng TP HCM thành trung tâm kinh tế, văn hoá hàng đầu của cả nước. Để đạt được điều này thì phải nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung xử lý các vấn đề nổi cộm, trước hết là cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Thành phố phải xây dựng được môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
"Để đáp ứng được điều này, chúng tôi phải nỗ lực cải cách hành chính, giảm đi sự rườm rà trong thủ tục để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tôi cũng đề nghị UBND TP HCM cần có những cuộc tiếp xúc bàn tròn một cách thường xuyên hơn nữa", ông nói.
Kết thúc buổi gặp gỡ, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, trong thời gian trao đổi rất ngắn, lãnh đạo Thành phố không chỉ mong muốn các doanh nghiệp đề xuất các vấn đề cụ thể mà còn muốn tạo ra niềm tin hai chiều giữa doanh nghiệp với chính quyền.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh sự tin tưởng vào tất cả sự đóng góp của các thành  phần doanh nghiệp, không phân biệt trong hay ngoài nước", ông nói và khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại TP HCM.
Bí thư Thăng cũng đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài cần có các dự án đầu tư mới để nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ. Theo ông, bên cạnh sự liêm chính của chính quyền thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải minh bạch và liêm chính thì cả hai mới có niềm tin vào nhau và có sự hợp tác tốt. Các doanh nghiệp cũng cần có những chính sách quan tâm tốt hơn đến người lao động về lương, nhà ở, các chế độ khác. Bởi khi thực hiện tốt vấn đề này thì năng suất lao động mới cao được và doanh nghiệp mới phát triển.
"Về phía TP HCM, vướng đâu thì chúng tôi sẽ giải quyết đến đó. Ngoài ra, Thành phố đang triển khai mô hình chính quyền điện tử để hạn chế tiêu cực, đồng thời tăng tính minh bạch, sự công khai", Bí thư nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, luỹ kế từ năm 1988 đến cuối 2015, Thành phố có hơn 5.800 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 40 tỷ USD.
Trong năm 2015, Thành phố đã thu hút 4,5 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 38% so với cùng kỳ 2014, chiếm 19,8% của cả nước. Trong đó, Singapore có vốn đầu tư lớn nhất, chiếm tỷ trọng 22,36% (8,7 tỷ USD).
Lệ Chi

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét