Thời tiết - khắc tinh của các hãng hàng không
Thời tiết - khắc tinh của các hãng hàng không
Chiều tối 7/2, hành khách chờ chuyến bay VN 1187 của Vietnam Airlines từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đi TP HCM đã không thể lên được máy bay do thời tiết xấu. - Thừa vé máy bay Tết hạng phổ thông, thương gia / Airbus bán gần 700 máy bay trong năm 2013
Hành khách chỉ có hai lựa chọn, đăng ký bay chuyến tiếp theo của ngày hôm sau hoặc di chuyển bằng xe khách từ Hải Phòng đi Hà Nội để cất cánh từ Nội Bài. Ngoài ra, những hành khách từ TP HCM bay đi Hải Phòng vào cùng thời điểm cũng không thể hạ cánh được, khiến họ phải xuống sân bay Nội Bài cách đó hơn 100 km.
Một trong những hành khách gặp tình cảnh nói trên đã gọi điện đến đường dây nóng của VnExpress than phiền vì họ phải bỏ 180.000 đồng tiền túi ra để mua vé xe khách từ Hải Phòng lên Hà Nội. "Chúng tôi đã không bay được mà còn phải trả tiền xe là điều vô lý", vị khách nói. Đại diện của Vietnam Airlines giải thích theo quy định, nếu hoãn hủy chuyến do nguyên nhân thời tiết thì hãng không có trách nhiệm đền bù.
Đây chỉ là một trong khoảng 500 vụ hủy chuyến do thời tiết diễn ra trong vòng một năm qua. Nếu như trong sự cố ở Hải Phòng, hành khách chỉ phải đi xe khách 100 km để đón chuyến bay khác, thì có những tình huống những người phải đi tới 300km từ Vinh ra Hà Nội để bắt chuyến bay vì sự cố thời tiết khiến máy bay không phải hạ cánh xuống Vinh.
Theo số liệu tổng kết của Cục Hàng không vừa công bố, năm 2013 các hãng hàng không trong nước có 4.255 chuyến bay bị hủy, trong đó có gần 20% do thời tiết không thuận lợi.
Hãng HK | Số chuyến thực hiện | Hủy chuyến | Tổng Hủy | Tỷ lệ Hủy | Tăng giảm so với 2012 | ||
Kỹ thuật | Thời tiết | Lý do khác | |||||
VNA | 106.190 | 81 | 556 | 2.352 | 2.989 | 2,7% | -0,9 |
Jestsar | 12.173 | 29 | 75 | 388 | 492 | 3,9% | 0,5 |
Vietjet | 20.156 | 132 | 155 | 209 | 496 | 2,4% | -1,1 |
VASCO | 5.001 | 2 | 33 | 206 | 261 | 5,0% | 2,8 |
Air Mekong | 1.548 | 1 | 4 | 12 | 17 | 1,1% | -1,0 |
Tổng số | 145.068 | 245 | 843 | 3.167 | 4.255 | 2,8% | -0,6 |
Những người làm hàng không cho biết sân bay khiến họ sợ nhất về mặt thời tiết là Vinh và Cát Bi. Hai sân bay này đều gần biển, nên hay gặp cảnh sương mù, mây phủ khiến tầm nhìn quan sát bị hạn chế. Nhất là vào mùa đông, gió mùa đông bắc thổi mây và sương thường xuyên tràn qua khu vực này. Do đó, mùa đông là thời điểm chuyến bay đi và đến Vinh, Cát Bi bị hoãn hủy nhiều nhất, một đại diện của hãng Jetstar cho hay.
Ngoài ra, các sân bay ở địa hình núi cao như Điện Biên, Buôn Mê Thuột, Liên Khương (Đà Lạt) cũng thường xuyên bị sương mù, trần mây thấp che khuất tầm nhìn. Nếu tầm nhìn bị hạn chế, phi công buộc phải bay vòng chờ mây, sương tan. Nếu sau thời gian nhất định không thể hạ cánh, máy bay phải bay đến sân bay khác vì không đủ nhiên liệu.
Nhiều hành khách từng than phiền về việc tại sao chuyến bay của họ bị hoãn hủy do thời tiết, mà một lúc sau lại thấy chiếc máy bay khác hạ cánh hoặc cất cánh được. Theo lý giải của chuyên gia hàng không, thời tiết thường xuyên thay đổi, nhất là gặp lúc sương hay mây nhiều. "Có thể lúc này tầm nhìn của phi công hạn chế, nhưng chỉ vài chục phút sau sương tan, tổ điều hành bay ở sân bay lại cho phép cất/hạ cánh", đại diện của Vietjet Air giải thích.
Thời tiết là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra hoãn hủy chuyến trong hàng không.
|
Hoãn, hủy chuyến do thời tiết có thể gây ra thiệt hại lớn cho hãng hàng không vì máy bay sẽ phải bay vòng từ nơi này sang nơi khác để "sơ tán". Trong nhiều trường hợp, hãng phải cho bay không tải (không có khách) để đi đón khách khác, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
"Có trường hợp sân bay Vinh bị thời tiết xấu, máy bay của chúng tôi từ TP HCM phải chở khách vòng ra Hà Nội chờ. Nếu trong trường hợp may mắn, thời tiết tốt lên, hãng sẽ đưa số khách trên quay lại Vinh và đón những người khác đang chờ ở đây đi TP HCM. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu hơn, hãng phải cho máy bay không tải quay về TP HCM đón khách tiếp, vì không thể để những vị khách ở TP HCM chờ lâu", một đại diện của Jetstar kể.
Trong tình huống trên, hãng sẽ mất nhiều loại chi phí, như nhiên liệu bay vòng ra Hà Nội, thu xếp xe cho khách từ Hà Nội về Vinh, nhiên liệu bay từ Hà Nội đi TP HCM, tiền bồi thường cho khách phải chờ ở TP HCM...
Nhưng thiệt hại lớn nhất đối với hãng là thiệt hại về uy tín, đại diện các hãng khẳng định. Ví dụ, cũng trong trường hợp trên, khách ở TP HCM được hưởng thời tiết đẹp nên họ không tin khi hãng giải thích máy bay đến muộn vì thời tiết xấu. Những vụ hoãn hủy do thời tiết cũng góp phần khiến các hãng hàng không Việt ngày càng có thêm nhiều biệt danh như "Sorry Airlines", "Late Airlines", "Delay Airlines"...
Thanh Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét